Thời gian gần đây, việc sử dụng bao bì giảm thiểu tác động đến môi trường được thúc đẩy bởi xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh tăng lên trên toàn cầu. Hiện nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đã chuyển đổi quá trình sản xuất sang mô hình kinh tế tuần hoàn…
Kinh tế tuần hoàn là lời giải cho xu hướng phát triển kinh tế bền vững khi các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn đảm bảo “tái sinh” nguồn nguyên liệu là quá trình được thực hiện xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Vấn đề này đang tạo ra cơ hội nhưng cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong ngành đồ uống.
Nỗ lực hướng tới bao bì xanh
Từ tháng 10/2023, hàng loạt sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu. Do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia thị trường toàn cầu. Tại Hội thảo tập huấn về “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống”, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: phát thải từ ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay.
Quy trình sản xuất, bao gồm đầu vào và năng lượng cần thiết cho chế biến, vận chuyển các sản phẩm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phát thải. Cùng với đó, bao bì cũng chiếm một tỷ lệ tương tự trong lượng khí thải, khoảng 5,4%, nhiều hơn so với vận chuyển hoặc các yếu tố chuỗi cung ứng khác. Do đó, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA), nhận định xu hướng chuyển đổi sang bao bì xanh đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà ngay ở thị trường nội địa.
Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Con đường màu xanh”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, nhấn mạnh: các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021-2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng. Hiện, Nestlé Việt Nam cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn.
Năm 2022, Tetra Pak, nhà cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển và Công ty giấy và bao bì Đồng Tiến cũng đã công bố khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu EUR để nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam. “Việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu. Nó cũng thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết.
Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân, cho biết với nhà máy công suất 30.000 tấn/năm, công ty đã thu gom chai nhựa trong nước và đưa vào tái chế, sản xuất thành hạt nhựa. Có những sản phẩm được tái chế 20 lần, góp phần tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa. “Tái chế nhựa là quá trình dài mất đến 2 – 3 năm. Đặc biệt là giai đoạn chúng tôi cùng các đối tác thử nghiệm sản phẩm, có khi phải mất đến hai năm để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá trị sử dụng so với nhựa thường”, ông Lê Anh nói.
Giờ đây, việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm đồ uống đã được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân tính toán, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất. Theo ông Amit Lahoti, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Ball Beverage Packaging, tại Việt Nam đã có hơn 77% vỏ lon nhôm đang được thu gom để tái chế. Đánh giá từ nhiều nghiên cứu cho thấy, lon nhôm chứa hơn 76% nguyên liệu tái chế vì đạt được điểm vật liệu tuần hoàn cao nhất…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023.